Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế đánh vào người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Người tiêu dùng là người chi trả nhưng người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ.
1. Các loại thuế suất thuế GTGT
Theo Luật Thuế giá trị gia tăng, 3 mức thuế suất bao gồm: 0%, 5% và 10%, cụ thể quy định mức thuế suất như sau:
1.1. Mức thuế suất 0%
Áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ sau đây:
- Dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế;
- Hàng hóa xuất khẩu và được coi là xuất khẩu;
- Dịch vụ không chịu thuế GTGT theo quy định khi xuất khẩu.
1.2. Mức thuế suất 5%
Áp dụng đối với những hàng hóa, dịch vụ dưới đây:
- Nước sạch dùng để phục vụ sản xuất và sinh hoạt;
- Quặng để sản xuất các loại phân bón, thuốc trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng nông nghiệp cây trồng, vật nuôi;
- Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương tưới tiêu, ao hồ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp;
- Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến, sản xuất thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản trong khâu tiêu dùng chưa đến trực tiếp người tiêu dùng mà có qua khâu trung gian;
- Mủ cao su sơ chế;
- Thực phẩm tươi sống, lâm sản chưa chế biến ở khâu kinh doanh thương mại, trừ gỗ, măng và các sản phẩm quy định;
- Đường, phụ phẩm trong sản xuất từ đường, bao gồm: rỉ đường, bã mía, bã bùn;
- Các sản phẩm thủ công, làm bằng tay, sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp;
- Các thiết bị, dụng cụ y tế thuộc đối tượng chịu thuế suất GTGT 5% nếu được sự xác nhận của Bộ Y tế;
- Dụng cụ, đồ dùng dùng cho việc giảng dạy và học tập;
- Dịch vụ tổ chức hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao hoặc biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim;
- Đồ chơi cho trẻ em hoặc một số sách các loại (trừ sách không chịu thuế GTGT);
- Bán nhà ở xã hội, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định;
- Một số dịch vụ khoa học và công nghệ khác.
1.3. Mức thuế suất 10%
Áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc các đối tượng không chịu thuế, thuế suất 0% và thuế suất GTGT 5%.
2. Thời điểm xác định nghĩa vụ thuế GTGT
- Đối với bán hàng hóa là thời điểm giao hàng hóa cho người mua không phân biệt đã thu được tiền hay chưa;
- Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm nghiệm thu hoàn thành xong việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm khách hàng ứng trước. Thời điểm nào xảy ra trước thì sẽ phát sinh nghĩa vụ thuế vào thời điểm đó;
- Đối với thi công xây dựng, lắp đặt (bao gồm nguyên vật liệu và cả đóng tàu) là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hoàn thành hết các hạng mục công trình theo hợp đồng đã ký, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa;
- Đối với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm làm thủ tục đăng ký tờ khai hải quan.
3. Đối tượng không chịu thuế GTGT
Theo Điều 4, Thông tư số 219/2013/TT-BTC, ngày 31/12/2013 Bộ Tài chính đã cụ thể hóa danh mục chi tiết 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng. Theo đó, các nhóm chủ yếu được phân như sau:
- Sản phẩm là hàng hóa, dịch vụ của ngành nông nghiệp;
- Nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế theo cam kết quốc tế;
- Hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho xã hội;
- Nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT để phù hợp với thông lệ quốc tế;
- Nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế vì đó là hàng hóa, dịch vụ do nhà nước trả tiền;
- Không chịu thuế vì một số mục đích kinh doanh khác như: dịch vụ, hàng hóa của hộ kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống hoặc chuyển giao quyền sử dụng đất, chuyển giao công nghệ tin học…
Viết bình luận